TỈNH QUẢNG NGÃI GẦN 200 NĂM TRƯỚC QUA HỒI KÝ CỦA MỘT VĂN NHÂN TRUNG QUỐC

Thứ ba - 08/08/2023 23:32
Sự kiện thuyền Phúc Kiến đến tỵ nạn tại Việt Nam được sử cũ, Đại Nam Thực Lục chép[1], duy tên Thái Đình Lan thì chữ “Lan” đổi thành “Hương”, vì “Lan” là tên húy của Nguyễn Phúc Lan, Chúa thứ tư triều Nguyễn:
TỈNH QUẢNG NGÃI GẦN 200 NĂM TRƯỚC QUA HỒI KÝ CỦA MỘT VĂN NHÂN TRUNG QUỐC


Tác giả: HỒ BẠCH THẢO

Thái Đình Lan, người đảo Bành Hồ, Đài Loan, đậu Tiến sĩ năm Đạo Quang thứ 25 [1845], là vị Tiến sĩ duy nhất của đảo này. Thời còn là sinh viên, sau khi dự kỳ thi tại tỉnh Phúc Kiến, vào ngày mồng 2 tháng 10 năm Ất Mùi Đạo Quang thứ 15 [21/11/1835], ông cùng em trai là Đình Dương, từ đảo Kim Môn đi thuyền về thăm mẹ tại Bành Hồ. Trên thuyền, vào canh ba [11 giờ đêm đến 1 giờ sáng] đêm hôm đó gió bão nổi lên, chẳng mấy chốc cuồng phong càng mạnh, thuyền chao đảo, sóng xô đâm xuống biển, nên phải chặt gãy cột buồm để thuyền khỏi vỡ. Trải mấy ngày trời, lênh đênh trên biển cả, không biết vị trí nơi đâu “xô về đông, hay dạt tới phương đoài”. Rồi một đêm bổng gió tắt, mưa tạnh, biển êm trở lại, chờ đến sáng thấy thuyền đánh cá đi qua, gọi lại hỏi, thất vọng không hiểu tiếng, nhưng có người trên thuyền viết hai chữ “An Nam”, dùng đốt ngón tay tính, thì hôm đó là ngày 11 tháng 10 [30/11/1835]. Nơi này gần đồn Thái Cần, tại cửa sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Qua trình báo của thuyền đánh cá, hai ngày sau quan Thủ ngự đồn đích thân đến kiểm tra.

Sự kiện thuyền Phúc Kiến đến tỵ nạn tại Việt Nam được sử cũ, Đại Nam Thực Lục chép[1], duy tên Thái Đình Lan thì chữ “Lan” đổi thành “Hương”, vì “Lan” là tên húy của Nguyễn Phúc Lan, Chúa thứ tư triều Nguyễn:

“Một thuyền buôn của người tỉnh Phúc Kiến nhà Thanh đi buôn ở Đài Loan phủ bị bão, giạt đến đỗ ở hải phận Quảng Ngãi. Quan tỉnh theo lệ cứu giúp nạn bão; cấp cho tiền và gạo rồi đem việc tâu lên. Trong số khách đáp thuyền có Lẫm sinh [Sinh viên được cấp học bổng][2] Thái Đình Hương được đặc ân cấp thêm 50 quan tiền, 20 phương gạo, đợi dịp tiện sẽ cho về nước.”

Riêng Thái Đình Lan từng viết thiên hồi ký nhan đề là Hải Nam tạp trước [海南雜著]; tường thuật một cách sinh động chặng đường bị nạn, thời gian lưu ngụ tại Việt Nam, noi theo đường Thiên Lý [tương tự Quốc lộ 1] từ tỉnh Quảng Ngãi đến Lạng Sơn, để trở về nước. Chúng tôi xin lần lượt dịch về các tỉnh tác giả đi qua, để phần nào hiểu thêm phong tục, lịch sử, địa lý Việt Nam thời bấy giờ. Xin khởi đầu bằng đoạn viết về tỉnh Quảng Ngãi; những chữ trong ngoặc () do tác giả chú thích; nhũng chữ trong ngoặc [] chữ đứng, do người dịch chú thích thêm, cho rõ nghĩa:

“Thuyền đến hải cảnh Việt Nam vào ngày 13 tháng 10 năm Ất Mùi [2/12/1835]. Có 2 viên quan tại đồn binh dùng thuyền nhỏ đến sát thuyền; cả hai đều chít khăn điều đen, mặc áo màu đen ống chật, quần hồng, đi chân trần (quan viên Việt Nam ở trong nhà hoặc ra ngoài đều đi chân trần[3], mặc quần màu hồng; y phục không phân biệt đông hè, vào tháng đông vẫn mặc áo lụa mỏng; người giàu phần lớn dùng 2 màu lam và đen, khăn đội đầu cũng vậy; riêng quần thì màu hồng); họ mang theo một viên Thông dịch (người huyện Chiếu An, Phúc Kiến, tên là Thẩm Lượng). Y bảo chủ thuyền rằng:

“Hai viên này (tên Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Văn Lợi) là quan Thủ ngự tại đồn Thái Cần [cửa sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, gần Dung Quất], nghe tin thuyền Trung Quốc bị bão, đến để kiểm tra.”

Chúng tôi mời lên thuyền; họ mở khoang xem xét mọi nơi, đòi trình bày rõ việc thuyền bị bão, rồi giữ lấy giấy chủ quyền (nước này dùng chữ Hán, thể thức giấy tờ quan nha cũng tựa như Trung Quốc); dặn ngày mai sẽ kéo thuyền vào trong cảng, chiếu lệ dâng phẩm vật trên mâm đồng để bẩm trình (phàm dâng lễ vật, để trên mâm đồng đội trên đầu, quì xuống dâng, gọi là cống đồng bàn).

Ngày hôm sau [3/12/1835] vào lúc gần trưa, thấy mấy chục thuyền chài đánh cá, giăng buồm lá cây, lao đến như bay. Viên Thông dịch điều một số người lên thuyền chúng tôi: kẻ thì cầm tay lái, kẻ thì kéo neo thuyền lên; lệnh các thuyền chài buộc giây vào mũi thuyền rồi kéo, thuyền từ từ đi theo. Vừa làm, dân chài vừa cất tiếng hát, âm thanh tỏa trên sóng nước, chim hải âu đang đua lượn, nghe tiếng hát vội bay đi. Đến chiều tối, thuyền đi vào cửa sông; thấy rừng tre dày đặc mông lung, nơi thôn xóm khói bếp bay lên. Chẳng mấy chốc thuyền ghé bờ, trên bờ có hàng chục căn nhà lá, đồn [Thái Cần] tại đó. Viên quan Thủ ngự đích thân đến bãi cát, chỉ huy thuyền chài, lệnh dời ra đậu trước đồn; chờ khi thuyền chúng tôi thả neo, mời được chèo đi (tục lệ nước này, khi thuyền lạ vào chỗ đồn, quan Thủ ngự lo phòng hộ; trước đó đánh chiêng lên, thuyền chài phải tập hợp nghe sai bảo, không được lấy tiền công). Ban đêm nghe tiếng trống điểm canh cho đến sáng (đánh suốt đêm, cứ mỗi canh đánh một tiếng; quan lớn đến, thì đánh chuông).

Vào ngày 15 [4/12/1835], nhờ Thông dịch cho chúng tôi lên bờ; chủ thuyền mang những vật (người nước này thích như gừng, mỳ, thuốc hút, trà), mượn mâm đồng của đồn đem dâng, tôi cũng phụ tặng thêm bút và mực. Viên quan Thủ ngự rất vui, mời chúng tôi ngồi trên giường (các quan lớn nhỏ tại đây tiếp khách không dùng ghế dựa; trong phòng đặt một chiếc giường thấp; cấp lớn ngồi hướng nam, bên trái và phải đặt mỗi giường theo hướng đông tây, phía trái là chủ, phía phải là khách; nếu ngồi chung giường, thì cấp lớn ngồi ngoài, cấp nhỏ theo thứ bực ngồi trong); rồi thảo văn thư, báo lên quan tỉnh (viên quan lớn chủ tỉnh gọi là quan tỉnh đường, tại phủ gọi là quan phủ đường). Nhân dịp chúng tôi vay 1 phương gạo (khoảng 4 hộc) [4 lít], 1 quan tiền (tiền kẽm ghi niên hiệu Minh Mệnh, cứ 2 đồng tiền kẽm bằng 1 đồng tiền đồng, mỗi quan gồm 600 đồng); rồi cáo từ quan Thủ ngự, trở về thuyền.

Vào sau buổi trưa ngày 16 [5/12/1835], thấy trên bờ có 2 chiếc cáng đến (cáng khiêng vai, họ gọi là võng), mỗi cáng chở một người, với một số tùy tùng cầm roi mây. Sau một chốc quan Thủ ngự xuống thuyền, bảo viên Thông dịch nói rằng:

“Đây là quan tỉnh đường, sai người đến tái xét nghiệm”. (Một người là viên thư lại ty Bố chánh chưa nhập ngạch tên Trần Hưng Trí, một người là viên thư lại ty Án sát chưa nhập ngạch tên Nguyễn Tiến Thông).

Họ xét giấy chủ quyền, cùng số khách đáp thuyền (gọi những khách thuyền chở là đáp khách); bắt chìa ngón giữa tay trái ra in dấu tay, gọi là “điểm chỉ”. Lại xét kỹ trong khoang thuyền có vật cấm hay không (nghiêm cấm nha phiến và vũ khí, điều tra ra cướp biển thì xử chém); đo chiều ngang, chiều dọc thuyền bằng trượng, xích; khoang thuyền sâu hay cạn, để làm hồ sơ tính thuế (nếu trong thuyền không có hàng hóa, được miễn chịu thuế). Lại lấy giấy bút ra, ghi những điều vấn đáp; hẹn tôi ngày hôm sau đến gặp quan lớn tại tỉnh đường, rồi lên bờ đi.

Sáng hôm sau, những viên chức này đáp thuyền nhỏ đến đón tôi, chủ thuyền cùng đi. Gió thổi nhẹ, nước chảy chậm, theo sông hơn 10 dặm [1 dặm = 576 mét] thì lên bờ. Bấy giờ đã trưa, theo đường nhỏ đi 2, 3 dặm đến chợ Lộ Mẫn (âm Đường gọi là Lật Vạn, có đồn lính) [Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi][4]; buổi tối trú tại nhà viên Thông dịch. Canh năm [3-5 giờ sáng] khởi hành, đi dưới trăng, từ thôn này qua thôn khác nghe tiếng mõ canh giờ; xa xa tiếng chó sủa râm ran, dưới ao cóc nhái kêu không ngớt. Đi khoảng hơn 20 dặm thì trời sáng, ăn điểm tâm tại quán nhà quê bên đường. Lại đi hơn 1 dặm, qua con sông nhỏ; hai viên chức nhường võng cho ngồi, nhưng tôi khước từ; do đó họ hô lính tùy tùng dẫn đường đi từ từ (viên quan không có kẻ hầu riêng, nên sai lính phục dịch). Bấy giờ đi trên đại lộ rộng hơn 2 trượng [1 trượng = 3,2 mét] (nước này chỉ có một đại lộ, thông nam bắc); hai bên bờ trồng mít, cứ 10 bước trồng một cây, cành lá xum xuê, tỏa bóng đầy mặt đất, gió mát vi vu, thổi lồng qua tay áo. Xa nhìn đất bằng ngàn khoảnh, ruộng lúa tốt tươi; vườn nhà bốn bề dậu tre, trồng chuối, cau trầu; phong cảnh cũng giống như Đài Loan. Trên đường thỉnh thoảng qua cầu làm bằng tre, lớp cũ lớp mới trồng lên nhau, dưới có đà gỗ bắc ngang nâng đỡ; đạp từng bước đi qua, dưới chân cảm thấy mềm lún. Qua sông [sông Trà Khúc], hơn một dặm đến tỉnh thành Quảng Ngãi. Trông coi tỉnh có một viên quan Bố chính, một quan Án sát, một quan Trấn binh (hai ty Phiên, Niết, người ta quen gọi là quan Bố chính, quan Án sát; Tổng binh gọi là ông Quan trấn; xưng gộp 3 vị là Tam quan đường). Thành nhỏ (tục gọi là thành Cù Mông) [Chính Mông][5], có 3 cửa đông, tây, bắc; văn phòng quan, kho tàng, trại lính đều ở trong thành, dân chúng buôn bán ở ngoài thành (phàm các tỉnh thành, quận thành, dân không được ở trong đó). Chúng tôi đến chợ [chợ Chính Mông] gặp người Đường (người nước này gọi người Trung Quốc là người Đường hoặc người Thiên Triều), tên là Lâm Tốn, người đất Đồng An [Phúc Kiến] mời đến nhà.

Phút chốc Ủy viên giục đi gặp quan lớn; tôi theo đi vào thành, người xem đứng đầy đường. Đến dinh thự, dẫn vào sảnh đường lớn (dinh quan chỉ có một sảnh đường, sáng chiều làm việc đều tại đây; thuộc viên, thư lại đều tụ tập tại sảnh đường lo công việc, hết giờ mọi người về nhà). Hai quan lớn ngồi tại đây, viên Thông dịch nói nhỏ cho biết:

“Một vị là viên Bố chánh họ Tôn Thất, Nguyễn Bạch[6]; một vị là Án sát Đặng Kim Giản”.[7]

Chúng tôi bước lên vái chào hai quan; hai vị cũng đứng lên vái chào, rồi chỉ vào chiếc giường thấp tại phía bên phải mời ngồi; hướng về viên Thông dịch nói một hồi, nhưng viên Thông dịch không dịch nổi (hiểu biết của Thông dịch chỉ dịch nổi những câu tầm thường ngoài đường, ngoài chợ; chứ cao hơn không dịch nổi!). Viên quan lớn bèn viết trên giấy hỏi về quê quán, lý lịch, cùng tình trạng gặp bão; tôi bèn đem đầu đuôi chép rõ ra. Cả hai gật đầu xuýt xoa, ra vẻ hết sức thương cảm; bèn gọi Bang trưởng Phúc Kiến Trịnh Kim đến (người Đồng An) bảo chọn phòng ốc cho ở (người Đường ở đây phần nhiều là Mân và Việt; Mân gọi là bang Phúc Kiến, Việt gọi là bang Quảng Đông, mỗi xứ lập một Bang trưởng để làm việc công); rồi cấp cho 2 phương gạo [1 phương – 4 lít], hai quan tiền để ăn tiêu hàng ngày; lại gọi chủ thuyền vào, cho mở khoang thuyền, bán hàng còn lại. Tôi đứng lên cảm tạ, xin rút lui, trú tại nhà Lâm Tốn.

Ngày 19 tháng 10 [8/12/1835], tôi soạn một bài văn, rồi nhờ Bang trưởng dâng lên cho đại quan. Đại quan hoan nghênh tán thưởng; bèn dâng sớ lên Quốc vương, cùng đính kèm bài văn (Quốc vương tại thành Phú Xuân [Huế], cách tỉnh Quảng Ngãi 7 ngày lộ trình). Chiều hôm đó, quan Bố chính sai Thư lại mang các đề về Tứ Thư[8], Ngũ Kinh[9], thi phú, yêu cầu tôi viết, hẹn giờ Thìn [7-9 giờ sáng] hôm sau đến lấy bản thảo. Chiều tối, Án sát họ Đặng cũng sai Thư lại mang các đề đến (nội dung cũng giống như quan Bố chính vậy). Tôi y theo kỳ hạn, soạn xong đem trình; họ đọc nhưng không hoàn lại.

Đến ngày 22 [11/12/1835], đến xin tạm biệt quan lớn, trở lại thuyền.

Ngày 24 [13/12/1835], cùng em trai lấy hành lý, từ biệt người trong thuyền, quay lại tỉnh thành Quảng Ngãi; từ đó không còn trở lại thuyền nữa.

Ngày 26 [15/12/1835] quan lớn nghe rằng tôi đã đến, mệnh các thuộc viên (1 Tri Phủ, 2 Thông phán, 2 Kinh lịch, 2 Tri huyện, 1 Huyện thừa, 1 Giáo dụ) cùng đến gặp; vì phòng hẹp, nên chào hỏi nhau rồi tan, không kịp hỏi tên. Sáng hôm sau đến gặp quan lớn, mọi người đều có mặt, tôi nhân bái tạ tấm lòng thịnh tình và tự hài tội làm phiền; rồi gặp lúc sảnh đường có xử kiện, nên cáo lui. Tại đây vài ngày, các quan lại, nhân sĩ rầm rộ đến gặp, kể có hàng trăm, gọi tôi là “ông Sinh viên” (tục nước này, gọi người tôn kính là ông hoặc thầy); có kẻ hỏi văn, có kẻ xin viết chữ, không kham được sự quấy nhiễu; duy tình cảm giữa tôi với các viên Thư lại ty Bố chính Bùi Hữu Trực, Nguyễn Sĩ Long thì rất thắm thiết.

Ngày mồng 5 tháng 11 [24/12/1835], quan lớn sai người báo cho biết có chiếu chỉ của Quốc vương [Vua Minh Mệnh] đến, bèn cấp tốc đến thành, đọc bản sao phê son như sau:

“Tên này thuộc loại văn học xuất thân, bất hạnh bị nạn gió bão, tiền của khánh tận, thực đáng nên giúp. Tỉnh [Quảng Ngãi] đã cấp phát tiền và gạo; nay gia ơn tăng thưởng 50 quan tiền, 20 phương gạo để ăn tiêu; nhắm biểu thị sự giúp đỡ Sinh viên bị tai nạn của Thiên triều; riêng những người bị nạn trên thuyền, chiếu theo số lượng, mỗi người một tháng cấp cho một phương gạo”.

Bèn soạn văn từ cảm tạ, đến kho tỉnh lãnh trợ cấp, đều phát đầy đủ. Do đó các quan lớn rất kính trọng; gặp lúc rảnh gọi đến cùng bút đàm.

Vào ngày 9 [28/12/1835] tân Tiến sĩ Lê Triều Quí cùng đi với viên Tri phủ Phạm Hoa Trình đến thăm; ông họ Phạm từng giữ chức Phó sứ đi cống Thiên triều; sáng tác một tập thơ, lấy từ túi áo ra, đem cho tôi xem; bèn bình phẩm chi tiết và làm thơ tặng.

Ngày 10 [29/12/1835], gặp Hoàng Văn (người đất Long Khê, Phúc Kiến, trú tại phố Quảng Ngãi) nói rằng anh ta đã trở về Phúc Kiến 3 lần (về Phúc Kiến có 2 đường: Từ Quỳnh Châu, Quảng Đông qua biển đến Xích Khảm là đường ngoài; có cướp trộm, nhiều người mới nên đi. Một đường từ Quảng Tây, tương đối xa, nhưng không lo bị trộm cướp mai phục.) Anh ta nói về đường đi rất rõ ràng; tôi rất mừng bèn quyết định về.

Ngày hôm sau dâng thư lên quan lớn, xin cấp phí tổn hành trình, do đường bộ trở về nhà. Quan lớn cho rằng trái với thông lệ, nên ra vẻ đăm chiêu (theo lệ cũ: Phàm thuyền Trung Quốc bị tai nạn gió bão đến đây, nếu là viên chức văn võ, cùng thân sĩ, cho đáp thuyền quan, hộ tống trở về nước; dân buôn thì do đường bộ trở về). Nhưng tôi ra sức xin, mới viết sớ trình lên.

Vào ngày 13 [1/1/1836] đến phố Quảng Ngãi, phố Quảng Ngãi cách thành 30 dặm [17 km, xét khoảng cách, có thể là sông Vệ], tại khu phố Trung Quốc, thuyền tập trung. Trú tại nhà Hoàng Văn, bàn chuyện quê hương rất vui; chủ nhân gọi vợ con ra chào, người Hoa tranh nhau đến thăm, ở 2 đêm thì trở về chỗ cũ.

Ngày 20 [8/1/1836], thầy giáo tư thục Trần Hưng Đạo mời uống rượu ngâm thơ. Thầy dạy học trò Tứ Thư, kinh sử, thi phú giống như Trung Quốc. Học trò viết bài, dùng bút tre, chấm mực bằng bùn trên nghiên đá; rất thô sơ (bút mực rất ít, kẻ học chữ không có giấy viết chữ mẫu để đồ lên); nhưng có trò đặt giấy lên bàn tay, viết chữ thảo rất nhanh. Ông Trần thông kinh sử, biết làm thơ; người ta gọi là Ông thầy (gọi Tiên sinh là thầy). Từ đó, các nhân sĩ gọi uống rượu ngày một đông.

Vào ngày 6 tháng chạp [23/1/1836] Vương [Vua] sai Sứ giả Bùi Kính Thúc (Cử nhân, Tri huyện hậu bổ) gặp tôi, đích thân đến nơi trọ ân cần an ủi. Ngày hôm sau tôi đến cảm tạ; các quan đều có mặt tại tỉnh đường. Sứ giả cùng các quan lớn thể theo ý của Vương, đều khuyên tôi bỏ đường bộ đi thuyền; dự định mùa xuân năm sau khi gió từ phương nam khởi phát, sẽ dùng thuyền quan chở đến Hạ Châu [Phúc Kiến], mọi người đều cho là thuận tiện. Tôi bảo rằng muốn về nhà sớm để phụng dưỡng mẹ, hai bên thảo luận qua lại bằng bút đàm từ giờ Thìn đến giờ Mùi [7-9 giờ sáng đến 1-3 giờ chiều], lời yêu cầu của tôi rất cương quyết. Bấy giờ Sứ giả bắt đầu chuyển ý, hẹn khi trở về kinh tâu trình, sẽ đem xuống bộ nghị bàn; rồi ngay đêm hôm đó khởi hành. Tôi về nhà bồn chồn lo lắng thành bệnh, trong 10 ngày không ngồi dậy được, quan lớn thường sai người đến thăm hỏi.

Rồi đến sáng sớm ngày 19 [5/2/1836] Ủy viên trước đây đến xét thuyền là Trần Hưng Trí đến chúc mừng rằng:

“Bộ bàn nghị đã chấp thuận!”

Bệnh tôi vụt biến mất, bèn ngồi dậy hỏi thêm; ông Trần dục tôi chỉnh bị y phục để gặp quan lớn. Quan lớn đưa ra lời phúc trình của bộ kèm theo lời phê son của Quốc vương như sau:

“Cứ tên này mấy lần xin đi đường bộ trở về quê cũ, không thể ở lâu; lý nên chấp nhận lời xin; lệnh bộ Hộ đưa cho 10 lạng bạch kim để giúp hành trình, vẫn do quan tỉnh liệu biện thật ổn thỏa”

Tôi đọc xong, khóc cảm tạ, xin quan lớn định ngày lên đường. Án sát họ Đặng chảy nước mắt nói:

“Túc hạ trở về là phải, từ nay chân trời nam bắc, biết ngày nào gặp nhau.”

Tôi cũng buồn không ngăn được, bèn cáo từ rồi bảo em chuẩn bị hành lý, mướn người đi phụ theo và từ biệt những người quen biết.

Ngày hôm sau [6/2/1836], hai quan lớn sai đem tiền của bộ Hộ cho, cùng giấy hộ chiếu (sai một viên Cai đội mang theo 20 lính hộ tống đến Quảng Nam; cấp văn thư dọc đường hoán đổi lính, chi cấp lương ăn), lại tặng thêm 5 lượng bạc. Án sát họ Đặng sai người thân đến biếu quế, và thơ văn đựng trong ống ngà voi; tôi nhận và bái tạ bằng thơ. Lại được Thư lại Bùi Hữu Trực biếu 3 quan tiền, và các đồng hương Lâm Khiểm (người Đồng An), Lâm Tốn, Trịnh Kim tặng thuốc men; những người khác gửi tiền đều khước từ.

Vào buổi sáng ngày 21 [7/2/1836], gửi thư văn xin cảm tạ Quốc vương. Quan lớn đưa ra khỏi dinh, từ Tri phủ trở xuống tiễn tại ngoài thành. Các vị đồng hương đưa đến bờ sông [sông Trà Khúc], nhỏ nước mắt tạm biệt. Chủ thuyền và người trong thuyền đều lưu lại, chờ khi thuận tiện có thuyền mới trở về. Tính ra thời gian ở Quảng Ngãi hơn 50 ngày, trời mưa, lam chướng nhiều, đất lại bùn lầy, chân khó mà cất bước; y phục, dép guốc, giường chiếu đều ẩm ướt, ngày đêm ruồi muỗi vo ve; gặp được hôm tạnh thì đi gặp quan lớn, đón tiếp người đến thăm, nên tôi không có dịp du lịch tiêu khiển, thăm sông núi, vườn rừng. Do đó bồi hồi buồn bã, trong lòng u uất không yên; rồi được về, anh em tôi như chim hạc được ra khỏi lồng, hăng hái vỗ cánh bay đi, không nghĩ đến tiền đồ còn hàng vạn dặm!”…[10]

——————–

[1] Đại Nam thực lục [ĐNTL], Hà Nội: Giáo Dục. tập 4, trang 797.

[2] Lẫm sinh: Sinh viên được cấp học bổng ăn học.

[3] Để chân trần: điều này không hẳn đúng trong mọi trường hợp; trong hồi ký của John White, History of a Voyage to the China Sea, trang 37, trình bày sự kiện vào năm 1823; kể rằng người miền Nam Việt Nam đi guốc gỗ.

[4] Lộ Mẫn: Phần dưới tác giả cho biết từ tỉnh thành Quảng Ngãi đến Lộ Mẫn 40 dặm “自廣義城行四十里至潞潣”; xét khoảng cách 40 dặm, tức trên 20 km, suy ra Lộ Mẫn tức thị xã Châu Ổ, huyện Bình Sơn.

[5] Theo bản dịch Đại Nam nhất thống chí [ĐNNTC], Huế: Thuận Hóa, 2006. Tập 2, trang 475 ghi tỉnh thành Quảng Ngãi tại “xã Chính Mông huyện Chương Nghĩa”. Trang 506 ghi “chợ Chính Mông: ở gần tỉnh thành, trước gọi là Cù Mông, đời Minh Mệnh đổi”.

[6] Tôn Thất Bạch: ĐNTL, Sách đã dẫn, tập 4, trang 738, xác nhận bấy giờ giữ chức Bố chánh Quảng Ngãi.

[7] Đặng Kim Giản: ĐNTL, Sách đã dẫn., tập 4, trang 738, xác nhận bấy giờ giữ chức Án sát Quảng Ngãi.

[8] Tứ Thư là 4 sách căn bản của Nho học, gồm: Luận Ngữ. Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung.

[9] Ngũ Kinh là 5 kinh Nho học, gồm: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu.

[10] Nguyên văn:
舟泊越南境,越日為乙未十月十三日,有兩汛官駕小船來舟側,皆烏縐綢纏頭,穿窄袖黑衣、紅綾褲,赤兩腳越南官員出入,皆赤腳。衣不分寒暑,冬月猶著輕羅;貴者多用藍、黑二色,纏頭亦然,褲俱紅色,帶通言一人傳語者號通言,作閩音詔安人,名沈亮呼謂舟主曰:『此廣義省思義府菜芹汛守御官也一阮文鸞、一阮文利,聞有收風中國船,特來盤驗』。延登舟,啟艙遍視畢,命具失水狀,並持牌照去國中悉用漢字,其衙門案牘體式與中國略同,囑明日移舟內港,照例貢銅盤為稟報凡送人禮物,必置銅盤,戴頭上跪進,謂之貢銅盤。

次日傍午,見數十蒲帆如飛而至,皆漁艇也。前通言先自變量人登舟,或挾柁、或拔椗,令各艇系一繩船首,就己艇操楫牽挽;我舟緩緩隨之行。棹歌齊起,咿啞喁于,響答云水中;鷗鷺翱翔,聞人聲拍拍飛去。薄暮,入內溪。見近山竹樹蔥蒨,蒙蘢隱隱,數村落起炊煙。須臾抵岸,岸上茆屋十餘間,汛防在焉。守御官親至沙漵中指揮漁艇,令移泊汛防署前。維舟已定,諸漁艇散去其國舊例,舟入汛地,守御官設法防護,於署前鳴鉦,漁艇蟻集聽差,不敢索工價。夜聞戍鼓冬冬達曙更鼓徹夜,皆點鼓一聲,不按更數;大官則鳴鐘。

十五日,偕通言登岸。舟主攜船中物姜、面、煙、茶,其國所嗜,假汛中銅盤以獻,餘亦附贈筆墨。守御官喜,延餘中榻坐大小官署皆不置椅棹,堂中設一低床,南向,尊者所坐;左右各設一床,東西向,左為主、右為賓,從漢制;尚有同床坐,則尊者在外,卑者以次在內。急備文書,馳報省堂官駐省大員稱省堂官,在府者稱府堂官。因借米一方約四斗、錢一貫鉛錢鑄「明命」年號,以二錢准一銅錢,每貫六百文,辭守御官歸船。

十六日午後,望岸上舁二輞子至肩輿號曰輞子,中各坐一人;從數人,執藤條。移時,同守御官下船。仍喚前通言云:『是省堂官,委來覆驗者』一布政官未入流書吏陳興智、一按察官未入流書吏阮進統。按牌照及搭客名數呼海船中附載之客曰搭客,令各伸左手中指印紋紙上,謂之「點指」。複熟驗艙中無違禁物鴉片煙及軍器禁最嚴,搜獲以洋匪論決斬。縱橫量船面丈尺、艙底淺深,造冊備征稅若船中無貨物,免征稅。出紙筆,各書一紙相問答。約餘次日赴省見大官。遂登岸去。

經宿,果乘小船來邀,與舟主俱往。風微水緩,沿溪泛十餘里至岸。日停午,循阡陌間小徑行二、三里,至潞潣市唐音呼慄萬,有戍兵。晚宿通言家。五更起,踏月行。連村柝聲相聞,深巷犬吠如豹,池塘蛙蚓鳴聒不休。約行二十餘里,天已明,飯道旁野店。複行里許,渡一溪,二委員爭以輞子讓餘坐,卻之,因呼隨兵導餘緩步行官無胥隸,皆以兵給役。大路寬二丈餘國中惟一條大路,直通南北,兩旁植波羅密,十步一株,枝葉交橫,繁陰滿地;清風颯颯,襟袖皆涼。遠望平疇千頃,禾稻油油。人家四圍修竹,多甘蕉、檳榔,風景絕類台灣。道中所過橋,悉編竹為之,新舊迭蓋十數重,支以橫木,足踏處步步作軟勢。向午,又渡一溪。去溪裏許,即廣義省;駐布政官一員、按察官一員、鎮兵官一員藩、臬二司,人呼布政官、按察官,總兵呼翁官鎮,合稱謂三官堂。有小城俗稱虯蒙城,設東、西、北三門,官署、倉庫、營局在城內,居民市肆在城外凡省郡城內無民舍。適市,遇唐人彼國稱中國人曰唐人,或稱天朝人林遜同安人,邀至家。

少頃,委員趣見大官。餘隨行進城,觀者載道。至署,引入大堂官署只一間大堂,早晚視事皆在此;屬員、書吏畢聚堂上辦案,散堂則各歸己家。中坐兩官,通言默告云:一布政官宗室阮公帛、一按察官鄧公金鑒。因向前一揖。皆起立俯體叉手作答揖狀,指右榻令坐;向通言噥噥語,通言不能傳通言所識,亦尋常市井語,餘多不諳。大官自書於紙,問籍貫、履歷及遭風情狀。遂詳書始末答之。點首嘆息,似甚矜憐。召福建幫長鄭金同安人擇房舍安置唐人多閩、粵二籍:閩稱福建幫、粵稱廣東幫,各設一幫長辦理公事;先給米二方、錢二貫,資用度。複傳舟主入,准給憑開艙,賣所餘貨物。餘起謝,趨退,主林遜家。

十九日,繕詞囑幫長投進。大官贊賞,隨具疏附詞上國王國王居富春城,距廣義省七日路程。是晚,布政官令書吏持一題紙來四書藝一、經藝一、詩賦各一,限明日辰刻來取稿本。次晚,鄧公亦令書吏持題來如布政官篇數。餘俱如限撰就呈繳;留閱不發。二十二日,詣辭,複回船。二十四日,偕家弟盡取行李,別舟人,重赴廣義省。自後,遂不複至船。

二十六日,大官聞餘至,命各屬員知府一、通判二、經歷二、知縣二、縣丞一、教諭一同時來會。以寓窄,群揖而散,不及通姓名。詰旦,往候大官,諸人俱在,因遍拜其枉辱。時方會鞫大訟,即告退。居數日,近城官吏及紳士絡繹來訪者以百計,呼余曰「翁廩生」俗呼尊者謂翁,或稱太,索句丐書,不堪其擾。惟布政吏裴有直、阮仕龍與餘情好獨摯。

十一月初五日,大官傳有王旨下;急詣署,讀抄出朱批云:『該名系文學出身,不幸偶遭風難,盤纏罄盡,殊為可軫。業經該省給發錢、米外,著加恩增賞錢五十貫、米二十方,俾有資度,用示軫念天朝難生至意。其船人亦按名月給米一方』。遂泐詞稱謝,向省倉庫支領脯資,得無乏。由是大官益加敬禮,暇輒呼共筆談。

初九日,有新進士黎君朝貴偕知府官範公華程來訪。範公曾充副使,入貢天朝,著有詩集,袖來示餘,細為評贊。贈以詩。

初十日,晤黃文龍溪人,住廣義庯,云曾三次陸路回閩回閩有二路:一從廣東瓊州過海南赤崁為外路,有劫盜,人眾乃可行;一走廣西大路為內路,較遠,不患伏莽,語路中情事甚悉。餘狂喜,遂決歸計。次日上大官書,乞貸行資給憑,由陸回籍。大官以格於例,有難色往例:凡中國船收風抵境,如文武官屬及紳衿,俱配官船護送回中國,商民有從陸路回者。餘力懇,乃為疏請。

十三日,往廣義庯有商賈處稱庯;廣義庯距城三十里,庯中國船所集,宿黃文家,談鄉情歡洽。主人喚子婦出拜客。中唐人爭來問訊。信宿乃還。

二十日,有塾師陳興道以詩招飲。閱兒童所誦四子書、經史、古文、詩賦,與中國同,皆寫本。又人置一磚,塗泥水以竹筆作字,悉粗劣筆墨最少,學字無法帖;或持紙掌上作草書,甚捷。陳君頗通經史,知詩,人呼翁柴呼先生謂柴。自是,諸人士邀飲者日眾。

十二月初六日,王遣使裴敬叔舉人,候補知縣來視,親至寓,慰諭甚殷。越日往謝,各官俱集省堂。使者及大官揣王意,咸勸余舍陸由舟,約來春南風初發,備官船達廈門;舉座稱便。餘以急歸奉母為言,操管往複,自辰及未,求益堅。使者意始轉,約複命之日,請下部議;遂星夜啟行去。餘歸心焦急,於邑成疾,十餘日不能起。大官時遣人慰問。

十九日侵晨,前驗船吏陳君興智入賀曰:『部議准矣』!余病若失,躍起詰之。陳君促餘整衣詣大官。大官出部覆及抄發朱批見示云:『據該名累乞由陸回貫,勢難久留,理宜俯從所請;著戶部封遞白金十兩,賞助行資,仍由該省官從優妥辦』。讀罷泣謝,白大官訂期就道。鄧公泫然曰:『足下歸固善,第此後天涯南北,何時再見』?餘亦悲不自勝。退令家弟治裝,假從者偕行,遂走別諸相識。

翌日,二大官遣送戶部所遞金及路照關文委該隊官一員,帶兵二十名護送至廣南;又給關文,沿途換派弁兵,支領口糧,外加贈銀五兩。鄧公又別遣親隨,以肉桂、牙筒見遺。俱拜納,分謝以詩。又受書吏裴有直饋錢三貫及同鄉林慊同安人、林遜、鄭金輩所饋藥物。諸以金來者悉卻之。

二十一日平明,入別大官,留牘乞轉謝國王。大官送出署;自知府以下,祖餞城外。諸同鄉擁送至溪邊,灑淚而別。舟主及同舟者皆留,俟有便船乃送歸也。計餘居廣義五十餘日,多陰雨,煙嵐障盛,地上泥濘,足不能展一步;衣履床席,淋淋出水,日夜蚊蠅籠匝。偶值晴霽,周旋大官及枉顧人不暇;又無山水園林可消遣。以此徘徊悵結,情鬱鬱不得舒。忽歸程一發,餘兄弟如困鶴出樊籠,振翼青霄,不慮前途尚有萬里也。

Nguồn: https://nghiencuuquocte.org

Tác giả bài viết: HỒ BẠCH THẢO

Chú ý: Nội dung trên đây là tài sản trực tuyến của Quảng Ngãi Online. Xin mời các bạn cùng chia sẻ thông tin trên Facebook, Zalo, Viber ... vv cho mọi người cùng đọc nhé. Xin cảm ơn !

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây